Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

ĐỀ XUẤT MỜI LS LÊ CÔNG ĐỊNH VÀ TS. CÙ HUY HÀ VŨ THAM GIA VỤ KIỆN TQ






Nếu tôi là một luật sư giúp Việt Nam kiện Trung Quốc về biển Đông, tôi sẽ đề nghị bổ sung thêm luật sư Lê Công Định, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tham gia giúp (Tình huống giả tưởng, có thể có thật)

Trần Vũ Hải
1. Một ngày u ám, một quan chức cao cấp của Chính phủ (xin giấu tên) nhắn qua một khách hàng Vip của tôi, rằng cấp trên định mời luật sư tham vấn để hình thành một nhóm luật sư chuẩn bị kiện Trung Quốc ra tòa án  hoặc trọng tài quốc tế.

2. Tại một nhà hàng trong một tòa nhà của khách hàng vip này, vị quan chức cao cấp này cùng một vị trung tướng an ninh (cũng xin được giấu tên) nói chuyện thân mật với tôi. Hai vị ngỏ ý:

a. Dư luận và người dân Việt Nam đang gây sức ép yêu cầu Nhà nước Việt Nam kiện Trung Quốc do những vấn đề tại biển Đông. Cá nhân ông có thể giúp Nhà nước như thế nào, ví dụ có thể lập một nhóm luật sư để giúp Nhà nước chuẩn bị kiện Trung Quốc được không?

b. Nếu kiện Trung Quốc ra tòa án, trọng tài quốc tế phải nắm chắc phần thắng mới kiện, ý ông thế nào?

3. Chắc nhiều người phì cười cho rằng ông luật sư TVH thật là hão huyền, viển vông. Nhà nước có đầy giáo sư, tiến sĩ luật và nhiều chuyên gia pháp lý nghiên cứu về  Luật Biển và Công pháp quốc tế, cớ gì phải mời một ông luật sư chuyên kiến nghị gây khó cho Nhà nước.

Việc mời luật sư để tham vấn cho chuẩn bị vụ kiện là điều tất yếu phải làm. Nhà nước định kiện Trung Quốc, đương nhiên phải mời luật sư tham vấn. Người đó có thể là luật sư này hay luật sư kia, nhưng cũng có thể là  tôi. Còn các giáo sư, tiến sĩ luật, chuyên gia pháp lý hàng đầu khác (không phải là những luật sư chuyên nghiệp), tuy có hiểu biết rộng, sâu nhưng chưa chắc là những luật sư giỏi và thành công. Nếu họ có thể là một luật sư giỏi, thành công, họ đã chuyển nghề thành luật sư chuyên nghiệp, vì những luật sư hàng đầu ở bất cứ nước nào cũng có thu nhập và danh tiếng hơn so với các giáo sư, tiến sĩ luật đơn thuần.

Một bạn trẻ học luật tại Mỹ cho biết, các giáo sư luật tại Mỹ thừa nhận họ thường không thành công lắm trong các vụ kiện mà họ nhận làm luật sư trong khi luật sư đối phương chỉ là những luật sư chuyên nghiệp bậc trung. Các giáo sư luật  phân bua rằng, họ không có những mãnh khóe của những luật sư chuyên nghiệp, dày kinh nghiệm, và với sự tự trọng, họ cũng không chấp nhận những mánh khóe, những cài bẫy lẫn nhau khi hành nghề luật sư.

Việt Nam kiện Trung Quốc chẳng khác “kiến kiện voi” (dùng hình tượng của tướng Nguyễn Chí Vịnh). Tôi đã có kinh nghiệm “kiến kiện voi”, đã giúp một một người tiêu dùng  Việt Nam kiện một tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh, kết quả đại diện tập đoàn này phải xuống nước, thỏa thuận bồi thường cho người tiêu dùng.

Vậy nếu chính quyền có chọn tôi làm luật sư tham vấn cũng không có gì lạ. 

4. Nhận lời đề nghị của 02 vị quan chức này, tôi có ý kiến như sau: 

a. Việc kiện hay không kiện Trung Quốc phải chuẩn bị kỹ, không thể vì bất cứ một sức ép nào, dù từ dân chúng hay từ Trung Quốc. Việc kiện giữa hai nước là biểu hiện văn minh, không có nghĩa “hất nước bỏ đi”, nhiều nước vẫn có quan hệ bình thường, thậm chí hữu hảo trong và sau khi kiện lẫn nhau.

b. Nhà nước cần thành lập một nhóm công tác đặc biệt gồm một số cán bộ, công chức là những chuyên gia pháp lý giỏi cả chuyên môn và ngoại ngữ. Người lãnh đạo nhóm này có quyền báo cáo trực tiếp với các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước để quyết định các vấn đề liên quan đến việc khởi kiện.

Tôi đề cử một tiến sỹ luật rất thông minh, có khả năng nghiên cứu, quyết đoán và tranh biện xuất sắc là ông Nguyễn Văn Thanh (hiện là Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn, có vợ là một bà Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Thanh đã có bằng tiến sĩ luật tại Đức từ gần 30 năm trước, giỏi tiếng Anh và tiếng Đức) sẽ là người phụ trách nhóm này.  Ông Nguyễn Văn Thanh sẽ tự lựa chọn những thành viên của tổ công tác này.

c. Bên cạnh nhóm công tác trên, một nhóm luật sư, luật gia người Việt có tâm huyết (không phải là cán bộ, công chức) sẽ được thành lập, mỗi người trong nhóm phải thành thạo một hoặc nhiều ngoại ngữ. Trước mắt tôi nhận vai trò điều hành tạm thời nhóm này trong một thời gian.

Về nhân sự của nhóm luật sư, luật gia người Việt này, tôi đề xuất luật sư Lê Công Định (giỏi tiếng Anh, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quốc tế), tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ (giỏi tiếng Pháp, chuyên gia về công pháp quốc tế) và một số luật sư khác, kể cả người đã từng làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa và đang hành nghề luật sư tại Mỹ (ví dụ luật sư Nguyễn Hữu Thống, đã có nghiên cứu sâu về biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa), và luật sư thành thạo tiếng Trung.

5.  Khi 02 quan chức này lo ngại, nhóm gồm những luật sư, luật gia như trên sẽ có khuynh hướng chống Nhà nước Việt Nam, không đáng tin cậy và không thể bảo vệ được lợi ích của Nhà nước Việt Nam. Tôi giải thích rằng mời những người như vậy có những lợi sau: 
-    Đây là những luật sư, tiến sĩ luật yêu nước, đã nghiên cứu những vấn đề liên quan đến Trung Quốc và biển Đông, họ luôn có thái độ đấu tranh vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc Việt Nam.
-    Phần lớn trong số họ là những người có nhiều kinh nghiệm và thành công trong việc hành nghề luật sư, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tuy chưa hành nghề luật sư nhưng đã có những hoạt động như một luật sư chuyên nghiệp.
-   Những người này đã có những uy tín nhất định trong giới luật và người Việt trong và ngoài nước, có những quan hệ nhất định với giới luật nước ngoài. Nếu họ nhận lời tham gia nhóm luật sư, luật gia người Việt để giúp Nhà nước Việt Nam kiện Trung Quốc về biển Đông, chắc chắn họ sẽ làm hết mình, không chỉ vì uy tín, danh dự của họ mà còn vì lòng yêu nước. 
-    Một đội ngũ luật sư, luật gia như vậy cùng với nhóm công tác của Nhà nước Việt Nam sẽ chứng minh cho thế giới biết rằng, Nhà nước Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các lực lượng, thành phần dân tộc Việt ở khắp thế giới, không phân biệt chính kiến, quá khứ để quyết tâm bảo vệ chủ quyền Việt Nam trước xâm lấn của Trung Quốc. Một sự hòa hợp, hòa giải dân tộc Việt thực sự có thể khởi đầu từ đây.
6. Tôi đề xuất nhóm công tác của Nhà nước sẽ tập hợp tất cả những tài liệu, chứng cứ lịch sử và pháp lý mà Việt Nam đang lưu giữ để chứng minh chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa…. Nhóm này tập hợp những tài liệu mà các chính quyền của Việt Nam đã phát hành, gửi, công bố liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông; kể cả những biên bản các cuộc trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc về giải quyết, ghi nhận những vấn đề giữa hai nước tại biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa.

7. Nhóm công tác của Nhà nước sẽ yêu cầu lãnh đạo cao nhất của đất nước phê chuẩn nhân sự của nhóm luật sư, luật gia người Việt. Lực lượng an ninh có trách nhiệm bảo vệ tối đa cho những nhân sự này, một cách kín đáo và lịch sự. Hai nhóm này sẽ thống nhất những bước chuẩn bị, nhằm hoàn thành các công việc nghiên cứu, tập hợp tài liểu, chuẩn bị khác trong thời gian nhanh nhất khoảng từ 3 - 6 tháng.

8. Công việc của nhóm luật sư, luật gia người Việt tập trung nghiên cứu, tập hợp những tài liệu, vấn đề sau:

a. Các tài liệu mà Trung Quốc cho rằng chứng minh họ có chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông

b. Các ý kiến, lập luận của các học giả Trung Quốc biện hộ cho Trung Quốc có chủ quyền tại biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa. Những ý kiến này thông thường được đăng tải trên các báo có uy tín, tạp chí chuyên ngành của thế giới, nêu trong những bài phát biểu tại những hội nghị quốc tế liên quan.

c. Những ý kiến, lập luận của các học giả, chuyên gia Trung Quốc bác bỏ về những lập luận, chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam đối với biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa.

d. Những ý kiến của các học giả, chuyên gia nước ngoài (không phải Trung Quốc và người Việt) về những lập luận của Trung Quốc và Việt Nam về biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. Những quan điểm của họ về những cách thức giải quyết xung đột, tranh chấp biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa.

e. Thu thập về các vụ án đã và đang được thụ lý, xét xử tại các tòa án, trọng tài quốc tế liên quan đến giải quyết tranh chấp lãnh thổ, biển, giải thích Luật Biển và tương tự, đặc biệt vụ Philippines kiện Trung Quốc đã được Tòa trọng tài Unclos thụ lý.

f. Lập danh sách các chuyên gia, học giả, thẩm phán, luật sư quốc tế có uy tín trong lĩnh vực Luật Biển, công pháp Quốc tế (cùng lý lịch khoa học, hành nghề của họ).

g. Những chi phí để tiến hành các vụ kiện này

Do những công việc trên đồ sộ, phức tạp nên nhóm công tác của Nhà nước cũng phải phối hợp, cùng tham gia, chịu trách nhiệm. Một đội ngũ phiên dịch (Anh, Trung, Tây Ban Nha, Pháp, Đức) sẽ được trưng tập để trợ giúp 02 nhóm này trong việc sưu tập, dịch các tài liệu liên quan.

9. Giai đoạn nghiên cứu các nội dung nêu trên nếu khẩn trương có thể làm trong khoảng từ 3-6 tháng, hoặc cũng có thể bị kéo dài hơn. Sau khi nghiên cứu kỹ, nhóm công tác của Nhà nước và nhóm luật sư, luật gia người Việt sẽ đề xuất:

a. Những vụ việc Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa án, trọng tài quốc tế.

b. Danh sách các luật sư quốc tế (cùng lý lịch chi tiết của họ) có thể được mời và dự kiến chi phí phải trả cho họ.

10. Nếu Nhà nước quyết tâm chuẩn bị kiện và sẵn sàng kiện, tôi đề xuất nhóm công tác của Nhà nước cần trình lãnh đạo cấp cao một hoặc một số công hàm gửi Trung Quốc để đề xuất với Trung Quốc: tất cả những tranh chấp về biển, đảo và những vấn đề khác liên quan đến biển đảo tại biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc nếu không giải quyết thông qua đàm phán trong một thời hạn nhất định, hai bên sẽ chấp nhận để một tòa án hoặc trọng tài quốc tế giải quyết theo đề nghị của một hoặc cả hai bên. Tất nhiên, khả năng lớn Trung Quốc không chấp nhận đề nghị này, nhưng cho dù Trung Quốc không chấp nhận sẽ tạo một áp lực mãnh mẽ đối với Trung Quốc trên trường quốc tế.

11. Về chi phí đi kiện, nếu Nhà nước lo ngại chi phí quá lớn (phải trả thù lao và chi phí ở mức khá cao mới thuê được những luật sư, chuyên gia giỏi), tôi sẵn sàng thuyết phục các đại gia Việt Nam (xin không nêu tên) trợ giúp đến 50% chi phí đi kiện. (Đây cũng là một thế mạnh của tôi so với những luật sư khác).

12. Nếu Nhà nước đồng ý với các đề xuất về các khả năng kiện do nhóm công tác của Nhà nước và nhóm luật sư, luật gia người Việt đưa ra, sẽ mời một nhóm luật sư quốc tế để giúp Việt Nam kiện Trung Quốc. Nhóm luật sư quốc tế này với quan điểm khách quan, độc lập sẽ đưa ra (i) các ý kiến, quan điểm về những vụ kiện có thể xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc về biển Đông, (ii) đánh giá về các chứng cứ, tài liệu, quan điểm, lập luận của Việt Nam và Trung Quốc, (iii) đưa ra lời khuyên để lựa chọn một hoặc vài vụ kiện mà theo họ Việt Nam có cơ hội khả quan nhất. Thời gian để các vị luật sư quốc tế nghiên cứu, đưa ra ý kiến khoảng từ 1 – 2 tháng.

13. Dựa trên ý kiến của nhóm công tác của Nhà nước, nhóm luật sư, luật gia người Việt và nhóm luật sư quốc tế, những lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sẽ quyết định hướng kiện Trung Quốc. Như vậy, thời gian chuẩn bị ít nhất phải là một năm.

Sau khi Nhà nước Việt Nam quyết định kiện Trung Quốc, nhiệm vụ của nhóm luật sư, luật gia người Việt chấm dứt. Nhà nước sẽ chọn ra những chuyên gia trong nhóm này tham gia nhóm luật sư quốc tế để giúp Việt Nam khởi kiện Trung Quốc. Nhóm công tác của Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục nhiệm vụ. Riêng tôi, đến đó nhiệm vụ sẽ hoàn thành, vì tôi không có khả năng trực tiếp tranh tụng tại tòa án, trọng tài quốc tế.

(Cho dù Nhà nước không mời, một số nội dung trên vẫn được một nhóm luật sư, luật gia người Việt triển khai theo những cách thức thích hợp).
T.V.H

36 nhận xét :

  1. " Về nhân sự của nhóm luật sư, luật gia người Việt này, tôi đề xuất luật sư Lê Công Định (giỏi tiếng Anh, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quốc tế), tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ (giỏi tiếng Pháp, chuyên gia về công pháp quốc tế) và một số luật sư khác, kể cả người đã từng làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa và đang hành nghề luật sư tại Mỹ (ví dụ luật sư Nguyễn Hữu Thống, đã có nghiên cứu sâu về biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa), và luật sư thành thạo tiếng Trung."
    Nhóm luật sư này thật tuyệt vời !!!

    Trả lờiXóa
  2. Lê Phúc Sông Hươnglúc 20:18 12 tháng 6, 2014

    Xin lỗi nhé luật sư Hải ơi - đã có đảng và nhà nước lo ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đảng và nhà nước "lo", nên giờ đây trước giặc TQ xâm lấn biển đảo, VN mới như con bò nhăn răng đó bạn. Dốt thì ngậm miệng, để các luật sư lo cho Đất nước!

      Xóa
  3. Rất tuyệt! Hoàn toàn tán thành và ủng hộ chương trình hành động của LS Trần Vũ Hải. Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị nên rút ngắn hơn nữa, chậm trễ là sẽ thêm nhiều bất lợi do tình hình đang biến động rất nhanh và khó lường.

    Trả lờiXóa
  4. Nghe tên những vị luật sư này tôi thấy yên tâm và tin tưởng. Nếu những vị này đứng ra kiện Tàu thì tôi tin chắc cả nước sẽ vui mừng. Chỉ ngại là nhà nước không muốn làm gì cả để mất đất mất biển dần dần rồi trốn trách nhiệm mà thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi đố Luật sư Hải mời được tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ tham gia vụ kiện này , trong khi những quan điểm rất rỏ ràng về Dân chủ đa đảng của ông vẫn chưa có một thay đổi gì . Thì việc mời được TS Hà Vũ tham gia vụ kiện này giống như đi hái sao trời mà thôi .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi tin rằng nếu chính phủ thật tâm mời thì TS Cù Huy Hà Vũ sẽ nhận lời và nhiệt tình tham gia vụ kiện này vì quan điểm có thể khác nhau về dân chủ hay đa đảng nhưng trách nhiệm và nghĩa vụ với tổ quốc thì mọi người Việt Nam ai cũng như ai. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả".
      Nguyễn Văn Tiến

      Xóa
  6. Nhật tân hựu nhật tânlúc 21:47 12 tháng 6, 2014

    Đây thực là một đề nghị thiết thực và mạnh dạn nhất mà Ls Trần Vũ Hải gửi lên không những cho Đ, CP và NN Việt Nam mà cho toàn dân VN đang quyết liệt với BK . Tôi chắc là đại đa số nhân dân sẽ ủng hộ . Các luật gian người Việt khắp thế giới sẽ hưởng ứng, các học giả chuyên gia về lịch sử VN và BĐ không riêng gì Ls Cù Huy Hà Vũ hay Ls Lê Công Định sẽ nhiệt tình tham gia. Nhân Dân cũng sẵn sàng ủng hộ tài chính cho công cuộc vĩ đại này . Mọi khả năng sẽ được huy động để quyết dành chiến thắng cho VN. Đ , NN và CP VN nên xóa bỏ mọi nghi kị khi sử dụng các nhân tài VN khắp thế giới . Hoan hô Ls Trần Vũ Hải .

    Trả lờiXóa
  7. Rất tuyệt, quá chuẩn. Hoàn toàn tin tưởng và nhất trí với các bước đi và đề xuất thành lập nhóm tư vấn cho vụ kiện trung quốc về giàn khoan 981 của luật sư Trần Vũ Hải, tôi tin nhóm này toàn những nhân vật xuất chúng, giỏi giang danh tiếng, nếu lộ trình như vậy chắc chắn chúng ta sẽ thắng. Xin cám ơn tấm lòng của ông.

    Trả lờiXóa
  8. ÔI thời gian chuẩn bị quá dài. LS có lường một phương án, trong thời gian đó, HD981 đã cắm được mũi khoan xuống nhiều nơi trong vùng biển cuả ta. Và đặc biệt tình hình có thể căng thẳng tới mức, TQ phát động tấn công quân sự, thì những chuẩn bị của ta theo đề xuất của LS đành về mo à?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Nguyễn Huy Canh đừng lo lâu quá. Quy trình nó buộc phải thế. Nhanh mà hỏng chi bằng chậm mà chắc. Vấn đề là mình có quyết tâm làm hay không. Chỉ cần bây giờ mình bắt đầu khởi sự và thể hiện quyết tâm theo đuổi vụ kiện thì Trung Cộng đã sợ cuống lên rồi, đâu còn dám tiếp tục hung hăng nữa. Vừa rồi mới rục rịch mà nó đã vận động mình đừng đi kiện đủ biết nó sợ ra vành móng ngựa đến mức nào.

      Xóa
  9. Tán thành phương án của ls Hải.
    Đúng là VN có một số không nhiều GS, TS luật giỏi (TS zỏm thì vô thiên lủng). Nhưng đã là GS, TS giỏi thật thì lại kinh điển quá, lý thuyết quá, mô phạm quá và các vị này lại không có kỹ năng lập hồ sơ khởi kiện và không có kỹ năng tranh tụng. Nói luật sư phải có "mánh khóe", biết "cài bẫy" thì cũng hơi quá, Người hành nghề nghiêm túc dễ tự ái. Nhưng kinh nghiệm, kỹ năng thì những ls lăn lộn chốn pháp đình nhiều có cả kho. Nhưng đó là tòa "ao nhà". Ra Tòa quốc tế không chỉ xướng lên "chúng tôi có đủ cơ sở pháp lý..." mà khải biết hoạch định chiến lược tranh tụng, rồi chiến thuật tranh tụng trong từng vấn đề cụ thể. Đồng thời cũng phải để ý đến quốc tịch của các bồi thẩm đoàn.
    Hiện tại tại VN chưa có một luật sư nào có thể tranh tụng trôi chảy tại Tòa án quốc tế bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, dù là Lê Công Định hay Cù Huy Hà Vũ. Nên nhớ tranh tụng ở Tòa không như tranh luận trong hội thảo. Nếu là Ls người Việt nhưng hành nghề luật ở các nước sử dụng tiếng Anh, Pháp thì tương đối OK. Tuy nhiên họ không thể có được sự hiểu thấu đáo và tâm huyết như người trong nước. Thế nên khi tranh tụng cần luật sư trong nước, kết hợp với luất sư Việt kiều. Ls Việt nói và ls Việt kiều có thể dịch lại bằng tiếng Anh cho Tòa nghe. Hai Ls này bổ khuyết cho nhau thì mới OK.
    Nên nhớ các chứng cứ ta đưa ra chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa có giá trị đều bằng chữ Hán Việt và cả chữ Nôm nên không thể thiếu một TS Hán Nôm như TS Nguyễn Xuân Diện. TS Diện dịch từ Hán Nôm qua tiếng Việt, rồi người khác dịch từ Việt sang Anh. Nhiêu khê lắm đấy, không đơn giản đâu. Ở ICJ (International Court of Justice) chưa có người Việt Nam nào làm thẩm phán hoặc công tố ở ICC (International Criminal Court), nhưng Trung Quốc thì có cả rồi. Các vị này đều là công dân Trung Quốc chứ không phải là Hoa kiều sống ở nước ngoài đâu.
    Kiện thì ta vẫn phải kiện, nhưng con người đảm nhiệm việc kiện này quả thực là không dễ kiếm. Theo đuổi vụ kiện có khi kéo dài tới 5 năm chứ không ngắn thời gian đâu.
    Khi ra tòa QT thì chứng cứ và việc tuân thủ các thủ tục có giá trị ngang nhau để tòa QĐ ai thắng ai thua. Còn nhiều vấn đề nữa mình không có tg nói hết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhật tân hựu nhật tânlúc 00:22 13 tháng 6, 2014

      Chắc là không thể thiếu những Ts Hán Nôm và cần những chuyên gia về ngôn ngữ Á Đông , cổ ngữ VN, chữ quốc ngữ thời các linh mục thừa sai CG người Ý, Bồ, Pháp, TBN có liên quan đến VN . Cả những người Nhật, những nhà hàng hải qua các tk . Những tài liệu viết bằng nhiều thứ ngôn ngữ qua các thời gian và tác giả khác nhau liên quan đến QĐ Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong các thư viện trên thế giới cả ở Trung Hoa , ở LHQ và tư nhân . Cho nên đây là công việc cần nhiều công sức, tài ba, học vấn, tâm huyết, thời gian và tiền bạc . Làm việc theo cung cách các cty luật quốc tế . Muốn nhanh thì phải bắt đầu ngay từ bây giờ . Liệu TBT NPT có muốn kiện TQ hay không cái đã rồi mới nói nhanh được . Cho nên cũng phải coi chừng cái kiểu đánh trống bỏ dùi !

      Xóa
  10. Hoan nghênh nhiệt thành và sự dấn thân của LS. Trần Vũ Hải. Tôi đã chứng kiến sự nhiệt thành và dấn thân của anh khi nêu vấn đề này ra trong một cuộc toạ đàm gần đây. Anh cho biết việc kiện TC là rất phức tạp, gian khổ nhưng tôi lại thấy anh theo đuổi nó rất là đam mê. Toạ đàm kết thúc, anh vẫn đứng giữa sân nắng 12 giờ trưa với vài người tâm đắc để nêu những ý tưởng của mình, đến nỗi chủ nhà ngưỡng mộ quá, lại mời anh về phòng riêng để anh trình bày cho cặn kẽ. Ý tưởng của anh cũng tương tự như đã trình bày trong bài này. Và anh quyết định sẽ khởi sự kế hoạch ngay hôm sau. Tôi bảo: "Anh phải xem chắc chắn chính phủ ta có định kiện TC hay không đã chứ, không thì lại phí công". Anh bảo: "Không quan tâm điều đó. Mình cứ làm sẵn đấy. Để nếu chính phủ cần thì có ngay. Tôi rất phục.

    Trả lờiXóa
  11. "... Về chi phí đi kiện, nếu Nhà nước lo ngại chi phí quá lớn ..., tôi sẵn sàng thuyết phục các đại gia Việt Nam trợ giúp đến 50% chi phí đi kiện..." Tôi không nghĩ rằng Nhà nước không lo nỗi chi phí kiện tụng; vấn đề chính yếu là Đảng ta và Chính phủ thiếu ý chí và quyết tâm bảo vệ quyền lợi quốc gia. Nhưng lời nói trên của Luật sư Hải làm tôi vô cùng phấn khởi, nó đã chứng tỏ được tiềm lực và sức mạnh về kinh tế và tri thức tầm quốc tế của một xã hội dân sự đang hình thành: Nhân dân cũng hoàn toàn có đủ nội lực để tự mình làm thay cho Chính phủ những vấn đề lớn liên quan đến lợi ích quốc gia mà Chính phủ dùng dằng không thể tự quyết. Sức mạnh nhân dân là như thế đấy!
    "... Cho dù Nhà nước không mời, một số nội dung trên vẫn được một nhóm luật sư, luật gia người Việt triển khai theo những cách thức thích hợp..." Vâng, đó là hướng đi tất yếu của một xã hội dân sự. Nước mất thì nhà tan. Chính là toàn dân sẽ phải đồng lòng ra tay hành động ''cầm đèn chạy trước... Đảng và CP" để tự cứu mình và cứu cả... Đảng. Đó không phải là lời nói ngoa. "Đã có Đảng lo" - nhưng Đảng đã tỏ ra "co ro, khúm núm" tự mình đánh mất uy thế lãnh đạo. Chính phủ dù đã tỏ ra rất quyết tâm nhưng không thể qua khỏi ''rào cản" của Đảng nên không thể tiến tới. Đây chính là lúc mỗi cá nhân trong toàn dân buộc phải ý thức cao độ và quán triệt thực hiện ''quyền làm chủ" để: cứu lấy chính mình - cứu lấy Đảng và CP - và trên hết là cứu quốc!

    Trả lờiXóa
  12. Kể cả trong trường hợp thua kiện cũng vẫn nên kiện, nếu thua kiện thì trả cho họ để có được đường phân định rõ ràng, ổn định khỏi phải lăn tăn về tranh chấp. Mình là kẻ yếu thì dựa vào phân định của quốc tế còn hơn là đấu tay đôi với tàu, chỉ có thua là chắc.

    Trả lờiXóa
  13. Một giấc mơ đẹp, nhưng không hiện thực, thật đáng tiếc quá đi

    Trả lờiXóa
  14. Rất cảm ơn ý nêu nên của luật sư, thật tuyệt vời nều đất nước ta biết dùng được các nhân tài để bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước.

    Trả lờiXóa
  15. Bác Trần Vũ Hải đề xuất rất trúng, rất hay và đầy trách nhiệm với đất nước, với dân tộc. Mong rằng các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước lắng nghe ý kiến của bác và các ý kiến khác sẽ tham gia tới đây để chúng ta có một đội ngũ chuyên gia, luật sư giỏi, thật sự yêu nước, có trách nhiệm cao nhất giúp Nhà nước ta kiện Trung Quốc thành công trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi hy vọng các vị lãnh đạo không bỏ ngoài tai như bấy lâu nay. Đây là cơ hội không thể bỏ lỡ một lần nữa.

    Trả lờiXóa
  16. Tôi đồng ý với điều khoản 4a:
    a. Việc kiện hay không kiện Trung Quốc phải chuẩn bị kỹ, không thể vì bất cứ một sức ép nào, dù từ dân chúng hay từ Trung Quốc. Việc kiện giữa hai nước là biểu hiện văn minh, không có nghĩa “hất nước bỏ đi”, nhiều nước vẫn có quan hệ bình thường, thậm chí hữu hảo trong và sau khi kiện lẫn nhau.
    Nhưng không phải vì sức ép của dân chúng đâu. Việc kiện TQ không thể không đừng, vì nếu không kiện thì VN mất hoàn toàn chính nghĩa và mất HS với TS.

    Trả lờiXóa
  17. Hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ ý kiến của LS Trần Vũ Hải. Đây là thời điểm đòi hỏi đoàn kết, hòa hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để đấu tranh với TQ bành trướng xâm lược. Chắc chắn nguồn nhân lực, tài lực của 90 triệu dân VN không nhỏ, Mọi tám lòng yêu nước đều đáng trân trọng và đó chính là sức mạnh của dân tộc VN ta!

    Trả lờiXóa
  18. Thật là lố bịch và trơ trẽn!? mấy hôm nay chính quyền nơi tôi đang ở(Quảng Nam) vác loa phóng thanh công suất lớn chạy tả đi các hướng từ thành thị đến nông thôn xin tiền quyên góp cho biển đảo!? Và cái lạ ở đây là đi xin tiền mà còn ra quy định bắt buộc mỗi hộ không...dưới 30.000 đồng??? và nhắc đi nhắc lại là đây chỉ là...đợt 1 thôi!? thế có nghĩa là còn nhiều đợt sau!? thật chả biết ra làm sao???
    Không biết số tiền này có đến tay bà con ngư dân và cảnh sát biển...có đúng...có đủ...không nữa!?
    Ai không biết rằng mỗi một công dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trước tổ quốc! nhưng hể khi một ai đó hơi nhiệt tình một chút liền bị nhắc khéo là...là...có đảng và nhà nước lo rồi!? nếu nhiệt tình quá thì...ôm cuốn cẩm nang 258 mà đọc vài năm!?
    Nhà nước này cũng khéo đi...xin nhỉ!? xin từ người nghèo đến người giàu!? xin từ trong nước ra nước ngoài!? Đã là xã hội ưu việt sao vác bị vác gậy đi xin hoài dzậy ta??? có gì...nhầm lẫn đây chăng!!!

    Trả lờiXóa
  19. 1. Ý thứ năm của LS. Trần Vũ Hải:
    "Khi 02 quan chức này lo ngại, nhóm gồm những luật sư, luật gia như trên sẽ có khuynh hướng chống Nhà nước Việt Nam, không đáng tin cậy và không thể bảo vệ được lợi ích của Nhà nước Việt Nam. Tôi giải thích rằng mời những người như vậy có những lợi sau:
    - Đây là những luật sư, tiến sĩ luật yêu nước, đã nghiên cứu những vấn đề liên quan đến Trung Quốc và biển Đông, họ luôn có thái độ đấu tranh vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc Việt Nam.
    - Phần lớn trong số họ là những người có nhiều kinh nghiệm và thành công trong việc hành nghề luật sư, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tuy chưa hành nghề luật sư nhưng đã có những hoạt động như một luật sư chuyên nghiệp
    - Những người này đã có những uy tín nhất định trong giới luật và người Việt trong và ngoài nước, có những quan hệ nhất định với giới luật nước ngoài. Nếu họ nhận lời tham gia nhóm luật sư, luật gia người Việt để giúp Nhà nước Việt Nam kiện Trung Quốc về biển Đông, chắc chắn họ sẽ làm hết mình, không chỉ vì uy tín, danh dự của họ mà còn vì lòng yêu nước.
    - Một đội ngũ luật sư, luật gia như vậy cùng với nhóm công tác của Nhà nước Việt Nam sẽ chứng minh cho thế giới biết rằng, Nhà nước Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các lực lượng, thành phần dân tộc Việt ở khắp thế giới, không phân biệt chính kiến, quá khứ để quyết tâm bảo vệ chủ quyền Việt Nam trước xâm lấn của Trung Quốc. Một sự hòa hợp, hòa giải dân tộc Việt thực sự có thể khởi đầu từ đây".
    Tôi rất tán thành. Nên mời cả LS. Lê Quốc Quân (từng học thạc sỹ Luật tại Mỹ) và có thể còn nhiều nhân tài khác nữa. Nếu Chính phủ VN làm theo tư vấn của LS. TVH thì nhà nước thắng lợi rất nhiều mặt. Không những thắng kiện mà thắng cả về nội trị, ngoại giao. Trí tuệ, công sức do mấy tù nhân lương tâm bỏ ra mà lợi thì thuộc về nhà nước.

    2. LS. TVH thiếu tin tưởng đội ngũ chuyên gia Luật (trong nước) của VN là rất có lý do. Chả cứ gì lĩnh vực luật, bất cứ lĩnh vực nào ở VN hiện nay cũng thế thôi. Đội ngũ này lâu nay được nuôi dạy để làm nô bộc cho chế độ cho nên kém toàn diện: 1. Thiếu tri thức hoặc tri thức giáo điều, cũ mòn, không được cập nhật. 2. Không có tư duy phản biện, vì chỉ quen nói theo kiểu dựa ý cấp trên hoặc phán bảo cấp dưới, cho nên khả năng đối chất, đối thoại kém. 3. Không có dũng khí để bảo vệ ý kiến của mình vì thiếu niềm tin ở chính mình. 4. Trong đội ngũ này không thiếu người thông minh nhưng trí thông minh của họ bao nhiêu năm đã dùng vào những việc như trên, cho nên nó đã bị phát triểu theo một hướng khác: nặng về khôn vặt, ranh mãnh, dùng tiểu xảo để thắng lợi tức khắc chứ không có tầm chiến lược; tưởng là khôn ngoan mà dễ bị đối phương lừa. v.v..
    Còn vô vàn khiếm khuyết khác của đội ngũ này. Chính nghề biên tập sách giáo dục (đồng thời cũng tham gia một số hoạt động khoa học) đã cho tôi những tổng kết trên. Công bằng mà nói trong số này có những người tôi nể phục, như GS. Nguyễn Minh Thuyết. Sách giáo khoa là chỗ bị chỉ trích thường xuyên, nhưng tình huống nào GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng có bản lĩnh giải quyết. Sai thì sửa, mà đúng thì kiên quyết bảo vệ. Nhưng còn lại biết bao nhiêu vị GS, TS khác, chữ nghĩa đầy mình, danh hiệu sáng choang ấy thế nmà khi đối mặt với những vấn đề thực tế thì hay lúng túng, tìm cách lảng tránh (bởi nếu lâm trận thì sợ sai, sợ thua).
    Thực tình "Ở cái nước mình nó thế" (chữ của GS. Hoàng Ngọc Hiến), cũng chả trách các chuyên gia (đông như quân Nguyên) của ta được. "Dụng như hổ, bất dung như miu", họ bị sử dụng sai, cho nên dẫu rất nhiều người tư chất thông minh, được học hành khắp cả Âu Á, nhưng chỉ có thể làm dáng trước quốc dân đồng bào ở các viện nghiên cứu, các trường đại học và trong các loại lễ lạt chứ khi đất nước hữu sự thì khó mà được việc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi rất tán thành ý kiến của LS Trần Vũ Hải và anh Đào Tiến Thi.
      Đội ngũ GS, TS, LS của chế độ CSVN hầu hết được đào tạo để vâng dạ, nịnh trên đạp dưới, ít có chính kiến, thiếu trung thực, thiếu bản lĩnh, thì làm sao có thể tranh tụng với giặc Bắc Kinh một cách hiệu quả, trước những bằng chứng bán nước của các bậc tiền bối ? Cứ thử xem lại những cuộc hội thảo về Biển Đông ở trong và ngoài nước thì thấy ngay các học giả Việt Nam nói như gà mắc toóc, thật là uổng cơm dân nuôi lũ ăn hại.

      Xóa
  20. TQ và Việt Nam là nước quen xử luật rừng. Luật pháp quốc tế không phù hợp với Việt Nam...

    Trả lờiXóa
  21. http://ttngbt.blogspot.com/2012/11/an-tu-cho-nghe-si-co-so-khong.html#more
    là trang chính luận, mang tên NHÂN QUYỀN VÀ TỰ DO cho phép phản hồi tự do, tự do thảo luận không bị kiểm duyệt.
    kính mời các độc giả cùng vào xem và thảo luận (trang naỳ tuy không hiển thị "kêu"nhưng số lượng truy cập rất nhiều trong những năm qua)

    Trả lờiXóa
  22. Một đề xuất đúng đắn. Cảm ơn những việc làm tâm huyết, đầy trách nhiệm của một luật sư giỏi và rất có kinh nghiệm - Luật sư Trần Vũ Hải.
    Mong lãnh đạo nhà nước hãy trân trọng và sử dụng những đề xuất của luật sư Trần Vũ Hải.

    Trả lờiXóa
  23. Trước khi khởi kiện đề nghị hỏi ý kiến Tổng Trọng đã,vì tổng Trọng có"vận mệnh tương quan với TQ,nếu ông ta không nhất trí thì khó thành công lắm.Còn về tài chính thì theo tôi không khó lắm vì ngoài các đại gia nhiệt thành còn có toàn thể nhân dân chắc chắn rất đồng lòng với việc này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khỏi hỏi đã biết câu trả nhời rồi Biển đông 'KHÔNG CÓ GÌ MỚI " chuyện trong nhà ấy mà đóng cửa bảo nhau thôi!

      Xóa
  24. Đất nước Việt nam là của nhân dân Việt nam trong và ngoài nước ,Việt nam không của riêng ai,không của riêng một nhóm người nào,một đãng phái nào ,do vậy tôi đề nghị mở hội nghi Diên Hồng trên FB
    hay trang Bauxit vn để nhiều người có ý kiến và ký tên việc Kiện hay không kiện Trung quốc.

    Trả lờiXóa
  25. Dù kiện thắng hay hòa cũng tốt hơn là không dám kiện

    Trả lờiXóa
  26. Sém một chút nửa là Đảng Cộng sản giết hết mấy luật sư Lê Công Định (giỏi tiếng Anh, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quốc tế), tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ (giỏi tiếng Pháp, chuyên gia về công pháp quốc tế) và một số luật sư khác rồi .......

    Trả lờiXóa
  27. Sao nhiều người vẫn cứ mơ tưởng việc mời các ls LCĐ và HV từ phía ĐCS để tham gia kiện TQ? Trong đó lại có cả ls TVH , người mà tôi vẫn kính trọng? Phải hiểu rằng : trong lãnh đạo cao cấp của ĐCS thế lực thân Tàu vẫn mạnh lắm , thế lực này vẫn hy vọng vào việc dựa vào TQ bất chấp lãnh hải bị xâm chiếm. Họ chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của cá nhân họ , phe nhóm họ mà cự tuyệt tất cả các hành động chống TQ , kể cả chỉ là đấu tranh pháp lý hay bằng phương pháp hòa bình.

    Trả lờiXóa
  28. Tôi thấy đây là một ý hay nên làm nếu nhà nước thực tâm, nhưng công bằng mà nói thì các học giả Mỹ, Nhật, Úc có lẽ họ nghiên cứu và hiểu về biển đông còn hơn mấy ông học giả của Việt Nam, nếu các bạn không tin thì cứ nghe TS Nguyễn Thủy nói tại cuộc hội thảo biển đông tại Mỹ, ông ta nói như húp cháo nóng, nói không ra một câu, thật đúng là đồ ăn hại vô tích sự.

    Trả lờiXóa
  29. Hoan hô luật sư TVHải và tất cả những ai tha thiết đưa vấn đề Hoàng Sa,Biển Đông ra tòa án QT trong một thời gian sớm nhất>Rõ ràng VN đang có một cơ hợi rất khả quan để thắng vụ kiện lịch sử này!
    Tuy nhiên,tôi rất bi quan ở chổ Đảng cầm quyền và Nhà nước VnN có dám không hay là chần chừ rồi im lặng chờ thỏa thuận song phương có lợi cho sự tồn tại và lợi ích của chính phe nhóm họ?Rốt cục thì đánh trống bỏ dùi,mặc cho lịch sử phán xét chăng???

    Trả lờiXóa
  30. Hoan hô LS Trần Vũ Hải! Nếu Lãnh đạo nhà nước nghe theo lời khuyên này của ông, không những đoàn kết được toàn dân, mà nghiễm nhiên lôi kéo được tất cả con dân Việt Nam trong và ngoài nước đồng lòng góp sức chống quân TQ xâm lược. Xoa lành vết thương chiến tranh trong quá khứ. Chính phủ sẽ tìm lại được chỗ đứng trong lòng dân. Kêu gọi được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước yêu chuộng Hòa bình trên thế giới.
    Các Luật sư mà LS Trần Vũ Hải đề xuất, toàn là tinh hoa của Dân tộc, lâu nay họ đấu tranh cũng chỉ mong cho Dân giầu, Nước mạnh, Xã hội văn minh, công bằng mà thôi.
    Tôi mong vô cùng bài này sẽ thức tỉnh được phần nào các đầu óc u mê, ích kỷ trong giới lãnh đạo VN.

    Trả lờiXóa