Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Vụ Chùa Bồ Đề: CÀNG KHUI, CÀNG KHỦNG KHIẾP

Vụ buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề: 
Sự thật khủng khiếp về những giấy chứng sinh 
Ngày 12-8-2014, Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về hành vi “mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120 BLHS”. Sau nhiều ngày thu thập thông tin, phóng viên Báo Công an TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện những thủ đoạn cực kỳ tinh vi của các đối tượng buôn bán trẻ em.  

NGƯỜI ĐÀN BÀ GIAN XẢO 

Phạm Thị Nguyệt, SN 1979, quê ở xã Hòa Khánh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (trong một số giấy tờ khác mà cơ quan điều tra thu được lại thể hiện Nguyệt SN 1970). Nguyệt có một đời chồng và người này đã chết vì tai nạn. Trước khi bị bắt, Nguyệt chung sống cùng lúc với hai người đàn ông và hai ông này không hề biết nhau, cho đến khi “người đàn bà chung” của họ bị bắt. Dù không có khả năng sinh nở nhưng Nguyệt nói dối mình sinh ba đứa con, cháu Đức Anh (22 tháng tuổi) và sinh đôi cháu Gia Hân, Gia Bảo (tức Cù Nguyên Công) vào cuối năm 2012. Cả hai người đàn ông là anh V. và anh H. đều tin những lời Nguyệt nói. Thậm chí, anh H. còn đăng ký kết hôn với Nguyệt chỉ trước khi Nguyệt bị bắt một tuần và yêu cầu cha mẹ nhận ba đứa trẻ Nguyệt nuôi là cháu nội. Khi cháu Cù Nguyên Công mất, anh H. còn đưa về quê mai táng. Anh V. Thì bị Nguyệt lừa lấy 40 triệu nói là để đi làm xét nghiệm và thụ tinh trong ống nghiệm. Hai người đàn ông này gặp nhau tại cơ quan điều tra và đều ngỡ ngàng khi biết sự thật về Nguyệt.  

Nguyệt có mối quan hệ với Nguyễn Thị Thanh Trang, bảo mẫu kiêm quản lý nhà mở trong chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) và đặt vấn đề với Trang muốn mua một đứa trẻ trong chùa làm con nuôi. Khi Nguyễn Thị Thu H. (quê Phú Thọ) có thai và sinh con trong nhà nghỉ vào ngày 25-10-2013, sau đó đem sang chùa Bồ Đề gửi, Trang đã dụ dỗ H. viết giấy xin con ra để bán cho Phạm Thị Nguyệt.  

Quá trình bé Cù Nguyên Công (con của H.) được nuôi dưỡng trong chùa, anh Nguyễn Thanh Long là một người làm từ thiện thường xuyên đến chùa và đã nhận là cha đỡ đầu của bé. Một hôm đến chùa thăm con, anh Long không thấy cháu Công đâu, hỏi sư thầy thì được biết cháu bé đã được mẹ đón về. Vì trước đó đã được Nguyễn Thị Thanh Trang thông báo rằng cháu Công bị vứt ở cổng chùa còn nguyên dây rốn loằng ngoằng nên anh Long không tin cháu được mẹ đón và đã cất công đi tìm. Sau rất nhiều nỗ lực, anh Long lần theo chứng minh nhân dân của mẹ cháu bé và tìm được địa chỉ nhà H. Tận Cẩm Khê, Phú Thọ.
 Phóng viên Báo CATP làm việc với ông Cảnh

Từ thông tin của anh Long cung cấp, phóng viên Báo Công an TP.Hồ Chí Minh đã cùng một số đồng nghiệp thuộc các báo khác tìm cách tiếp cận với H. và được H. thừa nhận đã viết giấy xin con ra khỏi chùa rồi giao lại cho Nguyệt, như sau này cô đã khai với cơ quan điều tra. Để “hợp thức hóa” cháu Cù Nguyên Công, Nguyệt yêu cầu H. viết một tờ giấy cam kết, nội dung là H. quan hệ tình cảm với chồng Nguyệt (người chồng đã chết) và sinh ra cháu Cù Nguyên Công, nay H. không có khả năng nuôi dưỡng nên giao lại cho Nguyệt.

Khi cơ quan điều tra đến nhà trọ, yêu cầu về trụ sở làm việc, Nguyệt đã giở bài gào khóc, ăn vạ rồi thẳng thắn gạ gẫm điều tra viên: “Các anh tha cho em, hết bao nhiêu để em lo”. Khi bị đưa về trụ sở số 7 Thiền Quang, Nguyệt cũng vẫn nằm lăn ra đất kêu khóc. Nguyệt nuôi trong nhà trọ hai cháu bé (một bé 22 tháng tuổi và một bé hơn 8 tháng tuổi). Cả hai cháu này, Nguyệt nói đều là con nuôi do Nguyệt vì quý trẻ con mà xin về. Cháu Cù Nguyên Công, Nguyệt cho biết đã chết vì bệnh sởi vào ngày 27-6-2014. Tại căn nhà trọ, công an thu giữ rất nhiều giấy chứng sinh và các loại giấy tờ liên quan đến trẻ em. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến những tờ giấy chứng sinh đề tên mẹ là Phạm Thị Nguyệt, thể hiện việc Nguyệt đẻ sinh đôi hai cháu trai được Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình cấp và giấy chứng sinh cho hai cháu bé Gia Hân, Đức Anh được Trạm y tế xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cấp. Những tờ giấy chứng sinh này, Nguyệt cho biết đã mua bằng tiền. Ban đầu Nguyệt nói: “Các anh chị bác sĩ trong bệnh viện thấy em không sinh nở được nên thương, làm phúc cấp giấy chứng sinh cho em để đủ thủ tục đi khai sinh là mẹ của các cháu”. Chúng tôi hỏi, mất bao nhiêu tiền để mua các giấy chứng sinh nói trên, Nguyệt lạnh lùng: “Không đáng bao nhiêu”.

GIẤY CHỨNG SINH NGUYỆT MUA CỦA AI?

Ngày 12-8, tại Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Quang Cảnh - Phó giám đốc bệnh viện. Ông Cảnh khẳng định: Quy trình cấp giấy chứng sinh tại bệnh viện rất chặt chẽ. Sau khi sản phụ sinh con, nữ hộ sinh trực tiếp đỡ đẻ sẽ viết giấy chứng sinh. Giấy chứng sinh sẽ được kẹp vào hồ sơ nhập viện, có đánh số. Toàn bộ hồ sơ này được chuyển lên đại diện Ban giám đốc để ký. Vì thế, ông Cảnh vô cùng ngạc nhiên khi biết Nguyệt đã “mua” được hai giấy chứng sinh thể hiện người mẹ là Phạm Thị Nguyệt, SN 1979, quê ở xã Hòa Khánh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã sinh con lần thứ ba (?!) cho ra đời hai cháu trai vào ngày 10-9-2013 tại khoa Sản của bệnh viện. Người đỡ đẻ chính là điều dưỡng viên Tú Anh, Thủ trưởng cơ sở y tế ký tên trên giấy chứng sinh này là bác sĩ Phạm Văn Dậu, Phó giám đốc bệnh viện, số bệnh án là 43899. Tra soát tất cả các hồ sơ và thông tin trên Giấy chứng sinh số 43899 tại sổ ra vào viện của khoa Sản, phần mềm quản lý bệnh viện để rút hồ sơ bệnh án trong năm 2012 nhưng không có bệnh án nào trùng khớp các thông tin trên giấy chứng sinh số 43899 mang tên người mẹ là Phạm Thị Nguyệt có địa chỉ như trên. 

 
Bác sĩ Phạm Ngọc Hà - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện, khẳng định: Trước khi cấp giấy chứng sinh, khoa Sản kiểm tra bệnh án, giấy ra viện có nội dung trùng khớp về tên tuổi, địa chỉ của sản phụ và số bệnh án thì mới cấp giấy chứng sinh. Trường hợp xin cấp lại, gia đình sản phụ phải có đơn được sự xác nhận của chính quyền nơi cư trú hoặc lãnh đạo đơn vị. Lãnh đạo khoa Sản sẽ kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ của sản phụ, nếu thấy khớp mới cấp lại giấy chứng sinh. Bà Đặng Thị Cúc, phụ trách khoa Sản bổ sung: Trường hợp nghi ngờ, phải rút hồ sơ bệnh án, yêu cầu sản phụ photo chứng minh thư, hộ khẩu để lưu lại và giấy chứng sinh được quản lý ở khoa. 
 
Chúng tôi đã đề nghị bệnh viện cung cấp thông tin của các sản phụ mang song thai và sinh con tại khoa Sản - nhi trong thời gian trước, sau thời điểm ghi trên giấy chứng sinh của Nguyệt và nhận được kết quả, vào ngày 26-9-2012, sản phụ Phạm Thị Lam, SN 1973, trú tại xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cũng vào khoa Sản - nhi sinh con. Chị Lam mang song thai và đã sinh hai con trai nặng 2,8 và 2,6kg và cũng là trường hợp sinh con lần thứ ba, người trực tiếp đỡ đẻ cũng là Điều dưỡng viên trưởng Tú Anh.

Bà Tú Anh - Điều dưỡng viên trưởng - người trực tiếp ký với tư cách là người đỡ đẻ trong hai giấy chứng sinh mà cơ quan điều tra thu giữ tại nhà Nguyệt, trần tình: “Đúng là chữ viết, chữ ký của tôi trên giấy chứng sinh thật, nhưng lâu quá rồi, tôi không nhớ vì sao tôi lại viết và ký vào hai giấy chứng sinh này”. Chúng tôi đặt câu hỏi: “Tính từ thời điểm ký giấy chứng sinh đến nay chưa quá ba năm, quãng thời gian không dài, lại là ca song sinh, vì vậy sẽ có khá nhiều ấn tượng khó có thể quên được”, thì bà Tú Anh nói: “Thường thường, những người quen trong bệnh viện hay trong khoa “nhờ” viết giấy chứng sinh thì tin tưởng viết ngay mà không kiểm tra lại hồ sơ. Nhiều khả năng trường hợp này cũng có người quen nhờ nên tôi mới viết, nhưng giờ không nhớ là ai nhờ”.

Giấy chứng sinh là giấy tờ cực kỳ quan trọng, chứng thực sự ra đời của một con người, và căn cứ vào đó mới làm được khai sinh. Nếu chỉ “nhờ” cũng được cấp giấy chứng sinh thì đây thực sự là thiên đường cho bọn buôn bán trẻ em. Chúng chỉ cần gom trẻ em, sau đó đến bệnh viện nhờ làm giấy chứng sinh, vậy là kẻ buôn người sẽ trở thành người mẹ được pháp luật công nhận. Chúng tôi đặt giả thiết, có khả năng khi biết chị Lam nhập viện và đẻ sinh đôi, có người trong bệnh viện đã báo cho Nguyệt (thời điểm này Nguyệt đã gom được hai cháu bé) để Nguyệt đến “mua” giấy chứng sinh, biến hai cháu bé này thành con đẻ của mình.

Để chứng minh mình không “bán” giấy chứng sinh, bà Tú Anh nói: “Vài hôm trước, vợ chồng tôi đã xuống nhà chị Lam và thấy hai cháu đang sống rất khỏe mạnh với bố mẹ”. Bà Tú Anh cho biết thêm, khi ra viện, chị Lam đã nhờ một người tên Tuyết đang công tác ở bệnh viện này nộp viện phí và lấy giấy chứng sinh ở Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình. Khi chúng tôi hỏi, tên thật của Tuyết thì bà Tú Anh lấp lửng, giống như đây là một đầu mối quan trọng và bí hiểm. 

 Tìm đến nhà chị Lam, chúng tôi được chị Lam kể với vẻ thật thà: “Nhà em đông con, điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có tiền đóng viện phí ngay. Sau khi xuất viện mới lo đủ tiền nên mới nhờ đứa cháu họ ở cùng xóm tên là Tuyết nộp viện phí và lấy giấy chứng sinh hộ”. Tại nhà chị Tuyết, chúng tôi được cung cấp: “Tôi làm ở khoa Xét nghiệm Bệnh viện Sản - Nhi, chẳng biết ai tên Nguyệt và Tú Anh cả. Thấy thím (tức chị Lam) nhờ thì làm thôi”. Chị Lam cũng khẳng định: Bà Tú Anh đã đến nhà mình và có hỏi về Tuyết và chị Lam cũng nói rõ Tuyết là cháu ở cùng xóm, nhưng không hiểu sao bà Tú Anh lại cứ lấp lửng về một nhân vật tên Tuyết nào đó, không hiểu với mục đích gì.

Quá trình làm việc tại Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình, chúng tôi phát hiện ra một sự thật đáng lo ngại: Ngày 24-10-2012, Bộ Y tế yêu cầu phải dùng mẫu chứng sinh mới, nhưng hết năm 2013, Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình vẫn dùng mẫu chứng sinh cũ. Điều này được bà Cúc giải thích rất ngộ: “Mua giấy chứng sinh ở Sở Tư pháp đắt quá nên chúng tôi xin mẫu và tự photo. Chỉ đến khi có người yêu cầu phải có mẫu mới, chúng tôi mới biết Bộ Y tế không cho phép dùng mẫu cũ”.


Theo thông tin chúng tôi nắm được, Phạm Thị Nguyệt đã mua giấy chứng sinh với giá 10 triệu đồng, nhưng chị ta mua của ai và mua ở đâu thì cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ. Nhưng Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình không phải là nơi duy nhất cấp giấy chứng sinh cho Nguyệt. Một số giấy chứng sinh đã được cấp khống từ Trạm Y tế xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, phóng viên Báo Công an TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục điều tra và cung cấp tới bạn đọc.


Nguồn: CATP.
______________

Tin liên quan: 
15.8.2014 
- Cảnh sát hình sự xác minh số trẻ nghi mất tích ở chùa Bồ Đề (TP).   – Đang xác minh 11 cháu bé ở chùa Bồ Đề hiện có ở đúng địa chỉ hay không (LĐ). – 11 bé “biến mất” ở chùa Bồ Đề mới chỉ xác minh trên giấy (KT).  – Chưa thể kết luận được 11 trẻ trong chùa Bồ Đề ‘mất tích’ hay không (TN).  – Tiếp tục làm rõ nghi vấn 11 trẻ mất tích ở chùa Bồ Đề (VTC).
- Những đứa trẻ ở chùa Bồ Đề biết kêu ai khi bị đánh? (aFamily).
- Từ vụ chùa Bồ Đề: Đường đi của giấy chứng sinh khống (NNVN). – Vụ buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề: Sự thật khủng khiếp về những giấy chứng sinh (CATP).
Cháu bé chùa Bồ Đề mắc bệnh hiểm nghèo đã có người nhận nuôi (ĐSPL).
- Chùa Bồ Đề: Sốc với lai lịch bất minh của kẻ mua bán trẻ em (GTVT).
- Rà soát tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội (CL).
- Trẻ ở chùa Bồ Đề sẽ được đưa lên Trung tâm bảo trợ xã hội ở Ba Vì (aFamily).
- Nhà thờ họ của sư Đàm Lan đáng giá bao nhiêu? (Megafun). – Nhà thờ họ sư Đàm Lan: ‘Vài trăm chứ lấy đâu tiền tỷ’? (NĐT/ TG). 

14.8.2014: 
- Kẻ lạ mặt cản báo chí tác nghiệp ở chùa Bồ Đề? (PT).
- Tiếp tục nghi vấn về 3 bé mất tích ở chùa Bồ Đề (Zing).
- Em trai trụ trì chùa Bồ Đề: Tôi không tin sư Đàm Lan mua bán trẻ (ĐSPL).
- Hà Nội lên phương án nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề (VNN). – Xã hội hóa chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi: Nhiều lỗ hổng quản lý (HNM).
- Nam mô biệt trú Điếu Cày (Da Màu). “xá tội vong nhân/ tay tuyên huấn thất thời đi nói pháp/ đứa trúng quả/ dấm dúi xây chùa/ mở trại nuôi trẻ con rơi rớt/ niết bàn chắc còn có cửa sau“.
- Mẹ chồng nghi phạm mua bán trẻ Bồ Đề kể về con dâu vừa bị bắt (ĐSPL).
- Vụ buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề: Sự thật khủng khiếp về những giấy chứng sinh (CATP). 

3 nhận xét :

  1. Thần thánh chúng còn buôn bán (buôn thần bán thánh), xá gì mấy con nít!

    Trả lờiXóa
  2. Cái giấy chứng sinh vài chục ngàn . Thế là có tiền chợ trong ngày ! Đó là cái tranh thủ trong lúc gạo châu củi quế, tiền lương cô mụ làng bèo bọt !

    Trả lờiXóa
  3. Khủng khiếp thay cho Đồng Tiền khiển con người!!!

    Trả lờiXóa